Khi tập luyện thể thao nói chung và đạp xe nói riêng thì không thể tránh khỏi những cơn đau do vận động. Những bộ phận chịu nhiều tác động lực như đầu gối, cổ, bàn chân,…thường sẽ đau dai dẳng hơn. Cùng theo dõi bài viết để biết nguyên nhân và cách khắc phục 6 cơn đau thường gặp khi đạp xe nhé!
Đau đầu gối
Một số biểu hiện của cơn đau này đó là:
- Cảm thấy đau nhức ngay vị trí xương đỉnh của đầu gối.
- Cử động khó khăn do đầu gối bị đau nhức.
- Cứng khớp, khó thực hiện những cử động khớp gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
- Một số trường hợp bị nặng thì đầu gối có thể sưng đỏ.
Đau đầu gối là kết quả của việc bạn dồn quá nhiều sức khi đạp xe và độ cao của yên xe không phù hợp. Khi đạp xe, nếu bạn có cảm giác người bị hướng về phía trước quá nhiều thì có thể là do chiều cao của ghế quá thấp hoặc yên xe cách ghi đông quá xa. Trong trường hợp này, bạn hãy khắc phục bằng cách điều chỉnh lại độ cao của yên xe phù hợp với tỉ lệ cơ thể.
Ngoài ra, hiện tượng đau đầu gối cũng có thể xuất phát từ việc cơ thể bạn đã có chấn thương trước đó. Trong quá trình đạp xe, vết thương ngày một trầm trọng hơn và khiến đầu gối đau nhức không ngừng. Nếu rơi vào trường hợp này, điều đầu tiên bạn cần làm đó là đi kiểm tra sức khỏe đầu gối của bạn và sau đó hãy quay lại kiểm tra tình trạng xe.
Căng cơ
Đây là tình trạng cơ thể bị đau nhức quá mức sau quá trình đạp xe, rất hay gặp ở những người mới bắt đầu luyện tập. Việc căng cơ, đau nhức cơ là hệ quả của vấn đề tổn thương cơ bắp, có thể dẫn đến tình trạng rách những sợi cơ li ti trong bó cơ.
Để hạn chế việc căng cơ xảy ra, bạn có thể vận động đan xen giữa những buổi đạp xe bằng việc tập yoga, bơi lội, chạy bộ. Ngoài ra, sau mỗi buổi tập luyện cần chú ý thả lỏng cơ thể kỹ càng, bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như tỏi, gừng, táo, cam, cải bó xôi,…cùng đạm động vật.
Tê tay & đau tay
Khi bạn dồn quá nhiều áp lực lên vùng cánh tay, ngón tay thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng đau hoặc ngứa ran ở bàn tay. Thường sau mỗi chuyến đi dài, nếu bàn tay được đặt quá lâu tại một vị trí thì rất dễ gặp phải tình trạng này.
Để khắc phục, bạn có thể thay đổi vị trí đặt tay để giảm bớt áp lực tác động lên vùng này và phân phối lại trọng lượng cơ thể cho phù hợp. Ngoài ra cũng có thể điều chỉnh lại độ nghiêng và chiều cao của yên xe, tránh việc dồn quá nhiều trọng lượng vào phía trước gây áp lực lên tay. Bạn cũng có thể dùng găng tay chuyên dụng hoặc dây quấn ghi đông để giảm bớt xung chấn một cách tốt nhất.
Nóng và ngứa ran các ngón chân
Rất nhiều người đều gặp phải tình trạng các ngón chân ngứa ran, nóng ran hay thậm chí là đau nhức sau khi đạp xe cả một quãng đường dài. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc bạn lựa chọn kích cỡ giày chưa phù hợp, quá chật khiến các dây thần kinh bị chèn ép và dẫn đến tình trạng tê cứng, di chuyển lâu có thể dẫn đến sưng phù bàn chân.
Nếu tình trạng trên xảy ra, hãy đổi ngay một đôi giày đạp xe chất lượng với kích cỡ vừa vặn nhé. Bạn cũng nên chọn đôi tất (vớ) chân kích cỡ phù hợp, chất liệu vải thấm hút mồ hôi tốt để tránh bị cọ sát hoặc phồng rộp.
Đau lưng dưới
Đây là một trong những cơn đau thường gặp khi đạp xe của anh em biker. Những cơn đau lưng dưới thường xuất phát từ vùng thắt lưng, lan dần sang các vùng mông và chân. Nguyên nhân của việc đau lưng dưới có thể đến từ việc lựa chọn xe đạp không phù hợp với cơ thể, sai tư thế ngồi đạp xe hoặc cột sống của bạn đã gặp vấn đề từ trước đó.
Nếu gặp phải tình trạng này, điều đầu tiên bạn cần điều chỉnh lại độ cao của yên xe sao cho phù hợp với chiều cao cơ thể. Sau đó hãy thay đổi tư thế ngồi đạp xe phù hợp với loại xe mình sử dụng bằng việc tìm hiểu từ nguồn tin cậy hay nhờ người quen đã có kinh nghiệm đạp xe lâu năm.
Đau gót chân
Đau gót chân cũng được mệnh danh là cơn đau thường gặp khi đạp xe, thường xảy ra nếu bạn sử dụng lực đạp không đều trong quá trình di chuyển. Chấn thương này cũng có thể xảy ra khi thực hiện thao tác mạnh một cách đột ngột hoặc cơ bắp chân bị căng quá mức và tăng áp lực lên vùng gót chân.
Cách khắc phục của tình trạng này đó là hãy dành thời gian nghỉ ngơi và tích cực chườm đá sau mỗi 4 – 8 tiếng. Nếu bàn chân cảm thấy như tê liệt thì có thể nới lỏng đôi giày hoặc thay một đôi giày rộng để máu lưu thông tốt hơn.
Qua bài viết này, bạn cũng có thể nhận thấy phần lớn những chấn thương đều xuất phát từ nguyên do kích thước xe không phù hợp với cơ thể. Vì vậy, để hạn chế các cơn đau thường gặp khi đạp xe, hãy đến cửa hàng HTeBike để được nhân viên tư vấn lựa chọn dòng xe phù hợp và hỗ trợ tốt nhất.
Nguồn: https://htebike.htskys.com/kham-pha/nhung-con-dau-thuong-gap-khi-dap-xe-va-cach-khac-phuc/